Phương pháp giáo dục sớm Montessori đang là một trong những phương pháp giáo dục được quan tâm hàng đầu hiện nay. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh phương pháp này về nội dung giảng dạy, về danh sách các trường áp dụng phương pháp hay những hoạt động diễn ra trong một lớp học,....
Chúng tôi sẽ dần dần làm sáng tỏ mọi thắc mắc đó, giúp mọi người có cái nhìn rõ ràng hơn về phương pháp giáo dục sớm Montessori. Trong bài viết lần này, chúng tôi sẽ giới thiệu về mô hình một lớp học Montessori để phụ huynh và thầy cô có thể tham khảo.
Phòng học Montessori
Phòng học Montessori thường có không gian khá rộng rãi, được trang bị với hệ thống giáo cụ hiện đại, an toàn tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ thực hành với giáo cụ theo các mục tiêu được xác định rõ ràng.
Hệ thống giáo cụ được phân loại theo các lĩnh vực học tập và sắp xếp theo trật tự từ đơn giản đến phức tạp giúp trẻ dễ dàng lựa chọn. Tất cả được sắp xếp trên kệ một cách bắt mắt và đầy đủ để thu hút được sự chú ý của trẻ đồng thời giúp trẻ có thể hoàn thành bài học mà không bị nhàm chán hay gián đoạn. Thêm vào đó, việc đặt giáo cụ về đúng nơi quy định góp phần tăng tính trật tự trong trẻ và hình thành ý thức giữ gìn môi trường lớp học cũng như môi trường sống sau này . Như bà Maria Montessori - người sáng lập ra phương pháp Montessori cũng đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của môi trường học tập gọn gàng và trật tự tác động tới việc hình thành cá tính và nhận thức của trẻ về sau.
Hệ thống giáo cụ Montessori
Giờ học theo phương pháp giáo dục sớm Montessori gồm có nhiều lĩnh vực khác nhau : Thực hành cuộc sống, Giác quan, Toán, Ngôn ngữ, Văn hóa (Địa lý, Khoa học, Lịch sử, Nghệ thuật và Âm nhạc). Mỗi lĩnh vực đều được giáo viên chuẩn bị giáo cụ phù hợp khiến trẻ hứng thú tham gia các hoạt động khám phá. Đặc biệt, thầy cô - người là cầu nối giữa trẻ và môi trường học tập được trang bị kiến thức kĩ lưỡng và chuyên nghiệp.
Một điểm đặc biệt đối với lớp học Montessori là không có hệ thống thi đua. Kết quả học tập của trẻ được dựa trên những ghi chép hàng ngày của giáo viên, dựa trên những tiêu chuẩn: thái độ, hành vi, kiến thức và quan trọng hơn cả là trẻ cảm thấy hạnh phúc khi đến trường; trưởng thành trong cuộc sống.
Hoạt động diễn ra trong lớp học theo phương pháp Montessori
Trong lớp học của Montessori, trẻ được tương tác dựa trên ba phương diện chính: giáo cụ( đồ dùng học tập), thầy cô và bạn bè. Mỗi tác nhân đều đóng một vai trò và ý nghĩa đặc biệt đối với trẻ
Thứ nhất, về hệ thống dụng cụ học tập được thiết kế chuyên biệt giống như đồ dùng cho hoạt động hằng ngày giúp trẻ phát triển về thể chất, tính kiên trì, sự tự tin, độc lập và sự sáng tạo. Hệ thống các dụng cụ rất đa dạng được sắp xếp và chia theo từng khu vực theo những mục đích và tác dụng khác nhau như: đồ dùng học tập để phát triển giác quan, sự nhạy cảm, đồ dùng học tập về toán học giúp trẻ phát triển về tư duy logic, làm quen với các khái niệm về toán học; đồ dùng học tập cho các môn khoa học như lịch sử, địa lý để giúp trẻ hiểu biết về văn hóa thế giới, thích nghi và hòa nhập với cộng đồng.
Không gian lớp học Montessori
Thứ hai, đối với lớp học theo phương pháp giáo dục sớm Montessori, giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn thay vì là trực tiếp giảng dạy, chỉ bảo như phương pháp giáo dục truyền thông. Số lượng học sinh trong mỗi lớp Montessori cũng không lớn nên thầy cô có khả năng chỉ bảo từng em , giúp các em phát triển tư duy, tự nâng cao tính độc lập và tự tin. Mỗi thầy cô sẽ gắn bó với các em trong cả ba năm học tại trường mầm non, tạo điều kiện quan sát và gắn bó lâu dài với trẻ. Từ đó, tạo điều kiện cho thầy cô hiểu rõ về tính cách, khả năng tiếp thu cũng như quá trình học tập của các em, giúp thầy cô đưa ra định hướng giáo dục hiệu quả, dễ tiếp cận và khuyến khích các em hơn.
Cũng nhờ yếu tố này, chương trình giảng dạy được giáo viên trực tiếp nghiên cứu và thiết kế dựa trên khả năng tiếp thu của trẻ nên sẽ linh hoạt, đang dạng và hiệu quả hơn rất nhiều.
Thứ ba, lớp học theo phương pháp giáo dục Montessori không chia theo lứa tuổi như các trường mầm non bình thường. Lớp học của Montessori sẽ gồm các bé có độ tuổi từ 2,5 cho đến 5. Điều này có vẻ lạ lẫm nhưng sẽ tạo nên những hiệu ích vô cùng đặc biệt khi trẻ nhỏ sẽ có cơ hội được học tập các anh chị lớn. Và ngược lại các anh chị lớn cũng sẽ được học cách chăm sóc, dạy dỗ các em nhỏ. Đây sẽ là cơ sở hình thành nên phong cách sống, cách cư xử của các bé sau này.
0 nhận xét: